Từ CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam đến cú sốc khi làm lại từ số 0: “Thị trường này quá rộng và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu”

. 17 min read

Trở thành Tổng giám đốc một CTCK có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng khi mới 24 tuổi, Nguyễn Hoàng Giang là CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam trong lịch sử. Sau 8 năm làm CEO VNDirect, Giang từ nhiệm để khởi nghiệp với một nền tảng fintech, hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch phái sinh có tên EnTrade.

Năm 2010, khi trở thành Tổng giám đốc công ty chứng khoán trẻ nhất Việt Nam, Nguyễn Hoàng Giang vẫn là một người mới của thị trường chứng khoán, với bằng cấp chuyên ngành toán kinh tế - khoa học máy tính của Đại học Nebraska (Mỹ). Lúc đó, Giang mới vào VNDirect làm được 2 năm trong khi công ty này có vốn 1.000 tỷ đồng và nằm trong Top 10 CTCK lớn nhất Việt Nam.

Ngoài tuổi trẻ mà đã giữ chức CEO, điểm đáng chú ý trong "hồ sơ" của Giang thời điểm đó: Nguyễn Hoàng Giang là cháu họ của bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDirect. Sau 8 năm trong vai trò CEO VnDirect, đưa công ty vào Top 5 CTCK có thị phần lớn nhất thị trường, năm 2018, Giang từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc.

Gần 2 năm "mất tích" trên thị trường, báo Trí thức trẻ đã có dịp phỏng vấn Giang khi anh đang làm Chủ tịch EnCapital, một startup sở hữu nền tảng Entrade hỗ trợ cho nhà đầu tư giao dịch phái sinh. Giang đã chia sẻ rất thẳng thắn về quá trình "làm lại mọi thứ từ con số 0", sau khi từng "đội vương miện" lúc còn rất trẻ.

Từ CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam đến cú sốc khi làm lại từ số 0: “Thị trường này quá rộng và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu” - Ảnh 1.

Trước đây, Giang là CEO của một CTCK quy mô vốn nghìn tỷ, còn giờ bắt đầu startup thì làm lại từ đầu. Giang cảm nhận về sự thay đổi này như thế nào?

Nó hơi sốc. Sốc nhất là những ngày đầu tiên. Khi quyết định chuyển từ một công ty to sang tự làm một công ty bé thì ban đầu chỉ có 2 người nên phải tự làm từ A-Z, đúng với nghĩa của startup.

Nhưng cái quan trọng nhất là mình được trải nghiệm việc đi thuyết phục người khác, với bài toán khó là lôi được người về với thuyền của mình. Ngày xưa thì mình không hiểu vì làm ở công ty to, chỉ việc ký offer letter lương bao nhiêu, tiền không phải vấn đề mà lại có thương hiệu sẵn rồi. Những ngày đầu một số anh em còn không ở Việt Nam, và chỉ làm bán thời gian thôi. Tuyển được người làm chính thức trong giai đoạn đó là rất khó khăn.

Được một cái tốt là người Việt Nam rất cởi mở và sẵn sàng thử cái mới, và điều đó hỗ trợ cho các startup như mình rất nhiều. Tuy nhiên, khi phát triển hơn một chút thì mình thấy là ở Việt Nam, mọi người vẫn chưa hiểu nhiều về mô hình và vốn đầu tư cho startup.

Từ CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam đến cú sốc khi làm lại từ số 0: “Thị trường này quá rộng và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu” - Ảnh 2.

24 tuổi Giang trở thành CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam, nhưng hơn 30 tuổi lại khởi sự một startup và phải làm lại từ đầu. Khó khăn của hiện tại khác so với ngày trước ra sao?

Chắc nên nói về thuận lợi trước nhỉ (cười). Thuận lợi là anh em bảo "ngồi ở trên đấy to thế mà quyết định xoá đi làm lại thì cũng thương" nên được nhiều người hỗ trợ (cười).

Còn khó khăn là khi điều hành một công ty lớn, mình có quá nhiều nguồn lực để sử dụng nên nhiều khi không biết tiết kiệm; đến khi phải điều hành một công ty bé thì phải biết tiết kiệm nhiều hơn. Đó là cái phải học.

Ngày xưa, một phát là làm công ty có nhiều tiền luôn, đâu có biết tiền đó ở đâu ra, đâu biết mọi người phải khó khăn như thế nào để có tiền đó và khó khăn như thế nào để có đội ngũ.

Còn bây giờ phải dùng tiền của bản thân, tự huy động tiền, tự kiếm người để phát triển. Đó là những bài học mà mình chưa bao giờ có kinh nghiệm nên cực kỳ khó, trong khi vẫn phải đảm bảo trách nhiệm với gia đình.

Những điều này thì gia đình phải thực sự hiểu và chia sẻ thì mới làm được statup, đặc biệt là khi mới rời khỏi môi trường quá là sướng: có nhiều người phục vụ như đi làm có lái xe, có lương đủ cho cả gia đình sinh sống…

Từ CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam đến cú sốc khi làm lại từ số 0: “Thị trường này quá rộng và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu” - Ảnh 3.

Tại sao Giang lại quyết định rời vị trí CEO một công ty chứng khoán lớn với nhiều quyền lợi, để làm một startup chưa rõ tương lai? Giang có nghĩ mình đã đánh mất một cơ hội lớn khi có thể tiếp tục phát triển của VNDirect?

Lúc rời VNDirect là tròn 10 năm mình làm chứng khoán. Đó là quãng thời gian mình được trưởng thành và học được nhiều thứ nhất: học về cách làm việc, học về ngành chứng khoán vì mình không phải học tài chính. Sau 10 năm đó, mình có nhiều mối quan hệ, được gặp rất nhiều người trong giới tinh hoa của xã hội. Thời gian đó rất quý báu, đặc biệt là được HĐQT và các anh chị em ở VNDirect hướng dẫn phát triển.

Mất đi điều gì à? chắc là mất vị trí tổng giám đốc (cười). Thực ra là không hẳn, vì cái vị trí đó chỉ là trách nhiệm công việc thôi. Khi quyết định chuyển đổi, mình mong muốn tìm một cái gì đó thách thức hơn. Vì sau 10 năm mình cũng tích luỹ được một chút, có kinh nghiệm, có những cái mình mong muốn triển khai theo định hướng của mình. Còn khi điều hành VNDirect thì mình phải triển khai theo định hướng của HĐQT và cổ đông giao phó.

Với những cái mình suy nghĩ về TTCK và công nghệ thì mình mong muốn làm những cái mình cho là hấp dẫn hơn. Còn đối với CTCK lớn như VNDirect thì quá rủi ro để triển khai.

Mình làm Tổng giám đốc đến lúc đấy được 8 năm, có thể tư duy của mình cũng cũ rồi, để tạo ra động lực phát triển mới thì chưa đủ. Bạn biết đấy, VNDirect do cô mình lập ra (bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT), và công ty có những nguyên tắc về an toàn nhất định, trong khi mình thích rủi ro hơn nên muốn ra lập nghiệp riêng. Đó là lý do mình quyết định rời đi.

Từ CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam đến cú sốc khi làm lại từ số 0: “Thị trường này quá rộng và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu” - Ảnh 4.

Ở thời điểm rời VNDirect Giang có nghĩ đấy là thất bại của tuổi trẻ không?

Thất bại sao được! Mình nghĩ kết quả làm được trong thị trường thì mọi người sẽ đánh giá. Xây dựng một công ty phát triển có nhiều khía cạnh, về mặt tài chính, con người và vị thế của nó trên thị trường.

VNDirect bắt đầu phát triển năm 2006, đến khi mình tham gia là 2008, được may mắn điều hành từ năm 2010. Số lượng nhân sự tăng từ 150 người lên hơn 1.000 người lúc mình nghỉ, vào Top 5 CTCK có thị phần lớn nhất – có lúc là Top 3… Mình nghĩ là kết quả phát triển của VNDirect tốt và mình may mắn đóng góp một phần ở trong đấy.

Từ CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam đến cú sốc khi làm lại từ số 0: “Thị trường này quá rộng và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu” - Ảnh 5.

Công ty EnCapital của Giang đang vận hành nền tảng fintech là Entrade – hỗ trợ các nhà đầu tư giao dịch phái sinh nhưng cũng đầu tư vào một fintech khác là Finhay. Hai mô hình này có gì khác nhau?

Mình có cái nhìn là làm sao hỗ trợ được cả nhà đầu tư bị động (passive investor) lẫn nhà đầu tư chủ động. Finhay là dành cho nhà đầu tư bị động. Với những nhà đầu tư chủ động, thích giao dịch và bám thị trường thì mình xây dựng nền tảng Entrade hỗ trợ họ bằng công nghệ.

Giang nhìn thấy cơ hội gì ở Finhay?

Đầu năm 2018, mình bắt đầu đầu tư vào Finhay vì thấy nó có thể hỗ trợ mọi người đầu tư tốt hơn. Bởi đối với rất nhiều nhà đầu tư bị động, họ đi gửi tiết kiệm với lãi suất 4-5%/năm là vui rồi nhưng nếu bỏ vào chứng khoán, trái phiếu sẽ là 7-9%/năm, thậm chí cao hơn.

Khách hàng của Finhay có tới 95-96% chưa bao giờ đầu tư chứng khoán, nhưng họ mong muốn có một kênh đầu tư sinh lời. Với 50.000 – 100.000 đồng (2-4 USD), không có một platform nào của CTCK Việt Nam phục vụ được lớp nhà đầu tư này. Những nhà đầu tư như vậy cần một công ty fintech với mô hình thật sự sáng tạo như Finhay, có thể giảm chi phí vận hành và khơi thông nguồn vốn. Nhờ đó, các nhà đầu tư thụ động thay vì bỏ tiền vào hụi họ nguy hiểm hơn thì mua chứng chỉ quỹ của tổ chức chuyên nghiệp.

Từ CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam đến cú sốc khi làm lại từ số 0: “Thị trường này quá rộng và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu” - Ảnh 6.

Đến cuối năm nay, Finhay có thể vượt mốc 300.000 người dùng. Trong vòng gọi vốn kế tiếp, startup này có khả năng huy động được nguồn vốn lên tới 7 con số và đều từ nước ngoài. Ngoài nguồn vốn từ cá nhân mình (EnCapital), huy động của Finhay chủ yếu là từ nước ngoài vì thị trường venture capital (vốn đầu tư mạo hiểm) ở Việt Nam còn sơ khai và người ta còn chưa hiểu mô hình.

Nhưng về mặt pháp lý nhiều người hiện nay còn khá e dè với một mô hình mới như Finhay?

Xét về khung pháp lý, sự phát triển của sản phẩm trong thị trường tài chính luôn đi trước. Định hướng của Chính phủ hiện nay khá khuyến khích các đơn vị sẵn sàng đi trước và sáng tạo trong việc phát triển dịch vụ tài chính, đặc biệt là nghị định về Fintech.

Finday thì cơ bản đi theo khung pháp lý về hợp tác đầu tư. Việc quản trị rất rành mạch với việc thuê Ernst & Young một công ty thuộc Big4 để kiểm toán.

Vai trò của Giang ở Finhay là gì?

Mình là nhà đầu tư từ ngày đầu, và hiện vẫn làm tư vấn cho bên đó.

Thế còn EnCapital và Entrade thì sao?

EnCapital là công ty mẹ sở hữu Entrade, đó là một nền tảng hỗ trợ các nhà đầu tư chủ động như giao dịch chứng khoán phái sinh và tương lai sẽ áp dụng vào thị trường cơ sở, giao dịch trong ngày, hoặc giao dịch thị trường hàng hóa. Các active investor kiếm lời từ biến động giá ngắn hạn cần một platform hỗ trợ về công nghệ, thông tin và có thể là đòn bẩy để có thể chiến thắng thị trường. Có 2 cái chính EnTrade làm là hướng dẫn nhà đầu tư phương thức giao dịch để kiếm lời và kiểm soát lỗ.

Đến nay EnTrade đã phát triển được 1,5 năm. EnTrade phối hợp với một công ty chứng khoán trong Top3 cung cấp dịch vụ môi giới, khách hàng sử dụng EnTrade như một công cụ bổ trợ giao dịch.

Giáng sinh này EnTrade sẽ ra mắt nền tảng cho phép khách hàng lựa chọn công cụ phân tích kỹ thuật và phân tích chỉ số để xây dựng con robot có thể tự giao dịch theo chiến thuật đặt trước.

Từ CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam đến cú sốc khi làm lại từ số 0: “Thị trường này quá rộng và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu” - Ảnh 7.

Tại sao mô hình này lại phải gắn với một CTCK, và khách hàng ở các CTCK khác có sử dụng dịch vụ được không?

Mô hình này phải kết hợp API (Application programming interface) với CTCK, hiện nay là đang hợp tác với công ty chứng khoán. Trên thế giới hiện nay 60% các lệnh được sinh ra trên thị trường đều là tự động, Việt Nam thì gần như không có đơn vị nào cung cấp dịch vụ như vậy. EnTrade thu phí dịch vụ như giá trị thặng dư ở trên hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch.

Còn vì sao vẫn phải dựa vào CTCK vì CTCK là môi giới. Khách có 2 lựa chọn để tài sản ở ngân hàng lưu ký và đẩy lệnh cho môi giới, hai là lưu ký tài sản ở các CTCK và NĐT đồng ý cho EnTrade đặt lệnh theo yêu cầu của họ là việc hoàn toàn hợp pháp. Ngân hàng Nhà nước cũng đang định hướng phát triển open API cho phép các bên cung cấp dịch vụ thanh toán thứ ba được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng thông qua các giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) được bảo mật. Các CTCK hiện nay kết hợp với Bloomberg giao dịch, và điều này không phải là mới.

Tại sao EnTrade không thử nghiệm ở VNDirect – nơi Giang từng làm CEO và hiện vẫn làm thành viên HĐQT, mà chọn công ty khác làm đối tác?

Một sản phẩm tốt phải được công nhận ở một CTCK không quen biết. Mình vẫn muốn hoàn thiện sản phẩm của mình trước khi mở rộng ra thị trường. Bên cạnh đó, việc giao dịch với VNDirect phải xin phép HĐQT khá phức tạp.

Từ CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam đến cú sốc khi làm lại từ số 0: “Thị trường này quá rộng và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu” - Ảnh 8.

EnTrade hiện nay tập trung phục vụ nhà đầu tư giao dịch trên thị trường phái sinh, nhưng quy mô thị trường này vẫn đang rất bé?

Xét về mặt giá trị giao dịch thị trường phái sinh hiện nay giao dịch 3.000 – 5.000 tỷ, cao điểm 10.000 tỷ, trung bình 4.000 tỷ/phiên thì thị trường này không bé, đủ quy mô để xây dựng công cụ hỗ trợ nhà đầu tư.

Giá trị của EnTrade sẽ nằm ở đâu?

Môi giới khi trao đổi với khách hàng phải có chiến lược trong đầu và điều này được phát triển bằng tư duy hoặc cảm xúc, cảm nghĩ.

Giá trị của EnTrade tồn tại ở phần BOT giao dịch tự động, cung cấp nền tảng công nghệ cho phép số hóa và minh bạch chiến thuật giao dịch, loại bỏ cảm xúc để giảm thiểu khả năng thua lỗ. Chiến lược giao dịch vẫn phải do sự hiểu biết về tín hiệu thị trường và phân tích kỹ thuật để đưa ra điểm mua và điểm bán, phương thức cắt lỗ và chốt lời. So với chi phí nuôi nhân viên môi giới thì rẻ hơn rất nhiều.

EnCapital còn hoạt động khác không?

EnTrade chỉ là một sản phẩm, kỳ vọng sau này sẽ xây thêm sản phẩm liên quan đến fintech về thanh toán và cho vay ngang hang. Đó là định hướng về sau, khi mình có một lượng user và đủ lực.

Từ CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam đến cú sốc khi làm lại từ số 0: “Thị trường này quá rộng và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu” - Ảnh 9.

Một lãnh đạo cấp cao của Sở GDCK TPHCM nói rằng, trên thị trường phái sinh 90-95% nhà đầu tư thua lỗ. Vậy nền tảng như EnTrade có giúp nhà đầu tư hạn chế được tối đa thua lỗ không, và lời quảng cáo trên website "chiến thắng thị trường" có hơi đa cấp không?

Chắc chắn hạn chế được. Thống kê thời gian qua tổng số lượt giao dịch với EnTrade có 46% giao dịch có lãi, 54% là lỗ, trong khi thị trường thế giới chỉ đạt khoảng 20-30% có lãi. Mình nghĩ 46% là con số thành công.

Nhà đầu tư không thể kỳ vọng sẽ gấp đôi tài khoản bằng cách đánh nhanh thắng nhanh được. Các công cụ hỗ trợ chỉ giúp họ tăng tỷ lệ kiếm tiền cao hơn chứ không thể kiếm tiền một cách nhanh chóng.

Giang có dự báo gì về sự phát triển của loại hình giao dịch tự động như EnTrade?

Thị trường này quá rộng và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu. Khi có nhiều người chơi mới vào thị trường và cuộc cạnh tranh giảm phí về 0 sẽ khiến nhu cầu về công nghệ rất lớn, và đó là giá trị thặng dư của mình.

Entrade ra sản phẩm từ tháng 4, đến nay doanh thu khoảng 1,5 tỷ. Tất nhiên, mình vẫn đang phải bù lỗ nhưng đã có khách, tức là có nhà đầu tư có nhu cầu cải thiện cách giao dịch chứng khoán.

Mình tin rằng 5-10 năm nữa thị trường tài chính Việt Nam sẽ rất phát triển, không thể đi trái với xu thế.

Lỡ thị trường không phát triển đúng timeline mà Giang đặt ra thì sao, như Vn-Indexn 12 năm qua vẫn chưa vượt nổi 1.000 điểm. Chưa chờ đến lúc thị trường phát triển mình đã hết tiền thì sao?

Bài toán là nín thở được bao lâu (cười lớn). May mắn đi cùng với EnTrade có nhiều người hiểu và mình đủ tiềm lực đẩy nó một thời gian dài, có thể trong 5 năm tới không phải lo lắng nhiều về vấn đề tài chính lắm.

Mình tin rằng Việt Nam hiện nay quy mô thị trường giống Hàn Quốc những năm 98-99, trước khi đi vào giai đoạn phát triển rất nhanh. Việt Nam đang ở giai đoạn cho phép phát triển thị trường tài chính tốt hơn rất nhiều, các nhà điều hành tư duy ổn định vĩ mô theo chiều hướng bền vững, không phải bằng cách bơm tiền và tín dụng ngắn hạn nữa.

Giang kỳ vọng 5 năm tới EnTrade sẽ như thế nào?

Mình nhìn giao dịch chứng khoán miễn phí là cơ hội rất lớn cho EnTrade cung cấp thêm dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng. Platform là mở nên mình mong muốn kết hợp với nhiều CTCK, mục tiêu kỳ vọng có thể là chiếm 20-30% giao dịch toàn thị trường.

Từ CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam đến cú sốc khi làm lại từ số 0: “Thị trường này quá rộng và cuộc chơi mới chỉ bắt đầu” - Ảnh 10.

Các nền tảng như EnTrade hay Finhay không phải là những sản phẩm đầu tiên trên thị trường, cộng thêm các rủi ro liên quan đến khung pháp lý chưa có. Giang có suy nghĩ gì khi những người khi trước với mô hình tương tự đã thất bại hoặc chưa tìm thấy đường sáng?

Mình nhìn thấy đầy rủ ro trong bất kỳ việc gì làm, nhưng cứ tiến thôi. Nếu nhìn thấy rủi ro nhiều quá mà ngại thì không bao giờ dám làm, nhưng nhìn thấy rồi và nhảy xuống bơi thì sẽ bơi được thôi.

Kiểu như chạy marathon ấy, ban đầu không ai nghĩ là mình sẽ chạy được 42km nhưng cứ chạy đi, rồi kiểu gì cũng về đích.

Ở đây thì mình và các anh em làm cùng đã có kinh nghiệm rồi, chỉ cần đi vào thị trường có khách tiềm năng thì sẽ làm được. Các nền tảng cạnh tranh với EnTrade không có nhiều vì các bạn chưa đầu tư tiền bạc một cách bài bản và manh mún. Đó là cơ hội cho mình làm.

Còn bây giờ đang làm thì mình không nghĩ đến thất bại đâu, cứ phải làm đi đã. Làm mà cứ nghĩ đến thất bại thì chán lắm. Câu chuyện về startup như kiểu đã nhảy xuống ao rồi thì cứ bơi đã rồi tính tiếp.

Xin cảm ơn.

Bài : Châu Cao - Hoàng Ly
Ảnh: Tuấn Mark
Thiết kế: Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ
Ngày 24/12/2019

Link báo gốc: http://ttvn.vn/cong-nghe/tu-ceo-chung-khoan-tre-nhat-viet-nam-den-cu-soc-khi-lam-lai-tu-so-0-thi-truong-nay-qua-rong-va-cuoc-choi-moi-chi-bat-dau-42019241273945723.htm



Tags

Advertise

Image Alternative Text

Instagram