Chứng khoán phái sinh quốc tế: Miếng pho mát trong bẫy chuột

. 20 min read

Hàng nghìn nhà đầu tư đang bị bủa vây bởi những lời mời chào hấp dẫn từ chứng khoán phái sinh quốc tế, hàng chục triệu USD có thể đang âm thầm chảy ra khỏi Việt Nam, với một thị trường hư hư thực thực và khoảng trống pháp lý…

Bài 1: Thị trường CFD - miếng pho mát khó xơi

Khi dịch Covid-19 trở thành nỗi ám ảnh với mọi người dân, thì các nhân viên kinh doanh của Alfa Media có lý do để tiếp thị “hàng hot” tới nhà đầu tư: Cổ phiếu MMM của nhà sản xuất khẩu trang và thiết bị y tế 3M, có trụ sở tại Mỹ.

T. nhân viên kinh doanh của Alfa Media, một công ty có trụ sở tại Hà Nội giới thiệu với nhà đầu tư: “Bỏ vốn vào thị trường CFD (hợp đồng chênh lệch), cụ thể là cổ phiếu MMM - là cơ hội cực tốt, vì cổ phiếu này chia cổ tức vào ngày 13/2/2020 với tỷ lệ 1,47 USD/cổ phiếu.

Khác với thị trường Việt Nam, cổ phiếu không bị điều chỉnh kỹ thuật vào ngày chốt quyền chia cổ tức. Hơn nữa, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, tiềm năng tăng giá của 3M được đánh giá rất cao. Mở tài khoản giao dịch, nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận ngay, lại rất an toàn”.

Alpha Media được giới thiệu là nhà đại diện thương hiệu cho tập đoàn tài chính hàng đầu châu Âu Iwinfx.

Khi mở tài khoản tại đây, ngoài CFD các mã cổ phiếu Apple, Mc Donald, Facebook, Microsoft, Google…, nhà đầu tư còn có thể giao dịch tiền tệ EUR/USD, GBP/USD, USD/CHF…, hoặc hàng hoá gồm nông sản (lúa, coffee, cacao…), năng lượng (xăng, dầu, gas…), kim loại quý (vàng, bạc, bạch kim…), hay “đánh” các chỉ số chứng khoán S&P500, US30...

Môi giới thuyết phục nhà đầu tư rằng, không chỉ khi giá lên, nhà đầu tư vẫn có thể kiếm lợi nhuận ngay cả khi giá xuống nếu nắm bắt được xu hướng.

Nhà đầu tư chỉ cần nắm được thông tin và đi đúng xu hướng sẽ có cơ hội kiếm lợi nhuận an toàn, mà thông tin thì nhân viên của Alfa Media được ủy quyền của Iwinfx sẽ cung cấp cho nhà đầu tư sớm hơn các thông tin mà họ có thể thu thập được trên các website thị trường, tài chính thế giới.

So sánh với chứng khoán Việt Nam, các nhân viên kinh doanh này nói đến những lợi ích như được giao dịch T+0, tức là khi nhà đầu tư muốn mua bán chứng khoán thì lệnh mua bán sẽ được thực hiện ngay lập tức mà không cần phải chờ đợi, việc giao dịch sẽ diễn ra nhanh chóng, nguồn vốn của nhà đầu tư sẽ luôn luôn linh hoạt và lưu động, chính vì vậy việc chôn vốn ở thị trường này là không có. Lợi ích khác là việc kinh doanh của các tập đoàn quốc tế ổn định và thường có xu hướng tăng, chứ không trồi sụt như doanh nghiệp Việt Nam.

Chỉ mất chưa đầy 2 phút, nhà đầu tư đã được hỗ trợ mở tài khoản giao dịch qua mạng và có thể chuyển tiền để giao dịch ngay. Khi được hỏi nhà đầu tư có cần ký giấy tờ, hợp đồng gì với đơn vị đại diện của Iwinfx để đảm bảo tính pháp lý không, thì nhân viên Alfa Media chỉ bảo: “ Cứ yên tâm”. T và nhóm trưởng của cậu ta chia sẻ, Công ty đang môi giới cho hàng nghìn nhà đầu tư, giá trị giao dịch cả triệu USD mỗi ngày.

Không chỉ Alfa Media, hiện có nhiều công ty cung cấp CFD trên thị trường chứng khoán quốc tế, thậm chí còn quảng cáo công khai trên các trang thông tin về tài chính ở Việt Nam như CaptainFX, FBS…

Ngoài mời gọi nhà đầu tư từ đòn bẩy tài chính rất cao, chẳng hạn, chỉ với chỉ 2,4 USD, nhà đầu tư có thể mua được 1 cổ phiếu CAT của Capterpillar giá 119,96 USD, nhà đầu tư còn được “hứa hẹn” bằng những khoản “hỗ trợ khủng” (bonus).

Khoản bonus này là tiền ưu đãi mà công ty tư vấn “cho không” nhà đầu tư để tiến hành đầu tư.

Iwinfx đăng ký kinh doanh tại Belize, từng là một thuộc địa tận Trung Mỹ của Anh, trong khi được mô tả với nhà đầu tư là tập đoàn tài chính hàng đầu châu Âu. Mọi giao kết chỉ được thực hiện trên mạng, hợp đồng mẫu giữa Iwinfx hoặc Alfa Media với nhà đầu tư không có. Hỏi nhân viên Alfa Media: “Công ty có bản thỏa thuận ủy quyền của Iwinfx tại Việt Nam không? Có thể cung cấp cho nhà đầu tư không?”. Nhân viên này nói, chỉ có lãnh đạo cấp cao của Alfa Media mới được tiếp cận với những tài liệu này (?).Số tiền nộp vào càng lớn thì mức bonus sẽ càng cao, thông thường tới 50%. Tuy nhiên, chủ tài khoản chỉ có thể dùng tiền này để giao dịch, không được rút (có nơi nhân viên lờ đi điều khoản này khiến cho nhà đầu tư dễ mờ mắt vì hám lợi).

Với mức lợi suất được mời chào vô cùng hấp dẫn cùng lợi thế mua bán ngay lập tức, thưởng lớn, không ít nhà đầu tư Việt Nam quyết định thử vận may với sản phẩm CFD. Nhưng pho mát không hề dễ xơi!

Anh Trần Ngọc, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, nhân viên đại lý cho CaptainFX mời chào anh mua CFD cổ phiếu CAT chỉ 2,4 USD/cổ phiếu, ăn ngay cổ tức 2,23 USD, như vậy mức sinh lời tới 92%.

Nhân viên này nói, anh cứ mạnh dạn bỏ ra 5.000 USD thì chắc chắn có 892 USD cổ tức, nếu muốn nhận 1.000 USD lợi nhuận thì số tiền nạp vào là 6.284 USD.

Nhìn đồ thị giá cổ phiếu CAT liên tục tăng trước khi chia cổ tức, lại được thuyết phục tập đoàn này kinh doanh hiệu quả, ổn định, giá cổ phiếu vẫn tăng sau chia cổ tức, anh Ngọc nghĩ “dễ ăn”, nạp 117 triệu đồng vào tài khoản.

Anh dự định, mua CFD, nhận cổ tức xong, anh sẽ đặt lệnh bán luôn cổ phiếu, thu về cả tiền gốc và lãi trong ngày trả cổ tức.

Nhưng thực tế lại chẳng ngờ, vào đúng ngày cổ tức về tài khoản, lệnh bán ùn ùn chất đống, mệt mỏi sau cả ngày làm việc ở công sở, anh để lỡ một phiên không đặt lệnh bán, vậy mà cháy luôn tài khoản, khi tài khoản thực bốc hơi 90%, số tiền thưởng 50% cũng không còn hiệu lực sử dụng.

Mong muốn phục thù, anh Ngọc được nhân viên tư vấn nạp thêm tiền vào tài khoản, nhưng chỉ được 1 tuần giao dịch, nhà đầu tư này tiếp tục ngậm ngùi ghi nhận các khoản lỗ.

“Thị trường biến động nhanh và mạnh tới nỗi thấy tài khoản bốc hơi mà choáng váng. Qua giao lưu với các nhà đầu tư khác, tôi thấy rất khó kiếm lãi từ CFD”, anh kể.

Thực tế, các công ty cung cấp CFD có cảnh báo rủi ro thua lỗ, song khi chào mời đầu tư, nhân viên chủ yếu nhấn mạnh vào lợi tức đạt được khi đầu tư vào sản phẩm và "lờ" đi những rủi ro lớn mà thị trường này mang lại.

Thậm chí, họ gửi cho nhà đầu tư một danh sách dài khách hàng mới đang thắng lớn để dễ bề thuyết phục nhà đầu tư tham gia.

Truy cập vào website FGMarket - một công ty cung cấp dịch vụ CFD, lập tức có thư mời đầu tư thử với 10.000 USD được cho demo. FGMarkets.com tự quảng cáo là một nhóm các nhà giao dịch, lập trình viên phần mềm và chuyên gia công nghệ thông tin với đam mê giao dịch trên sàn Forex và các thị trường khác, xây dựng một nhãn hiệu mới với mục tiêu đem đến dịch vụ tuyệt hảo cho các nhà giao dịch.

Bài 2: Rủi ro giao dịch “lách luật”

Không chỉ chịu rủi ro lớn từ biến động thị trường, hoạt động đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế còn chịu rủi ro pháp lý, do quy định hiện hành chưa cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài vì mục đích đầu tư tài chính.

Dòng tiền đầu tư phải “ẩn danh”

Trong vai một nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu về đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế, phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán đã tiếp cận một người xưng là nhân viên tư vấn đầu tư của Alfa Media.

Theo hướng dẫn của người này, để tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế, nhà đầu tư cần nạp tiền từ tài khoản ngân hàng nội địa Việt Nam sang tài khoản đầu tư thông qua bốn cách: nạp trực tiếp bằng thẻ Visa, Master; nạp Internet Banking qua ATM của ngân hàng; nạp trực tiếp tại quầy giao dịch ngân hàng vì tài khoản giao dịch có liên kết với tất cả các ngân hàng ở Việt Nam hoặc nạp trực tiếp thông qua ví Ngân Lượng.

Ngược lại, khi muốn rút ra thì tiền sẽ được chuyển về thẻ ATM của nhà đầu tư, hoặc chuyển về thẻ Visa Debit có chức năng nhận tiền.

Nhân viên tư vấn trên khẳng định, mọi hình thức nạp và rút tiền của nhà đầu tư đều thông qua ngân hàng nội địa tại Việt Nam, có hóa đơn in sao kê hoặc hóa đơn điện tử xác nhận của ngân hàng gửi về email cá nhân. Tài khoản đầu tư liên kết với tất cả các ngân hàng nội địa Việt Nam như Vietcombank, Techcombank, VPBank, SHB, MSB, ABBank, BIDV…

“Chỉ cần chuyển tiền trong ngày, đến tối là chị đã có thể giao dịch”, người này nói.

Ðường đi của dòng tiền đầu tư được anh Nguyễn Văn Huấn, người từng “đánh” CFD mô tả: Các sàn giao dịch đều mở văn phòng đại diện ở Việt Nam, có tài khoản ngân hàng để mở cổng thanh toán thông qua đơn vị trung gian thanh toán.

Nhà đầu tư chỉ cần mở tài khoản tại đơn vị trung gian thanh toán và nạp tiền vào đó là có thể giao dịch chứng khoán phái sinh quốc tế.

Giả sử nhà đầu tư muốn nạp 500 USD vào tài khoản, công ty cung cấp dịch vụ CFD sẽ thông báo nộp số tiền 11,65 triệu đồng (quy đổi theo tỷ giá USD/VND tại thời điểm đó - PV).

Ðến khi cần rút tiền, lại làm các thao tác thiết lập tài khoản và tiền sẽ về tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư.

Một nhà đầu tư kể, anh được hướng dẫn chuyển tiền từ VIB sang tài khoản Ngân Lượng với nội dung “nộp tiền cho phiếu thu…”. Còn một nhà đầu tư khác thì cung cấp sao kê giao dịch nạp 23 triệu đồng qua thẻ Master Card của SHB với nội dung mua hàng hóa/dịch vụ từ Ngân Lượng online.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao các nội dung chuyển tiền mà nhà đầu tư được hướng dẫn lại chuyển qua Ngân Lượng và không ghi cụ thể lý do chuyển tiền là nhằm đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế mà phải ẩn danh là giao dịch online hoặc chuyển tiền cho phiếu thu X, Y, Z…?

Và những giao dịch chuyển tiền để đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế như trên có hợp pháp và được pháp luật Việt Nam bảo vệ?

Cũng theo lời nhân viên Alfa Media, hiện công ty này đang hỗ trợ cho hàng nghìn nhà đầu tư với giá trị giao dịch lên tới cả triệu USD mỗi ngày.

Sau cổ phiếu MMM, những ngày này, họ đang tập trung mời chào nhà đầu tư bỏ vốn vào CFD cổ phiếu Coca - Cola với mức giá 3 USD/CFD. Thông tin đưa ra là tập đoàn nước giải khát quốc tế này sắp chia cổ tức 0,41 USD/cổ phiếu.

Rủi ro kép với nhà đầu tư

Tìm hiểu của nhóm phóng viên cho thấy, Thông tư 105/ TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ 15/8/2016 quy định, chỉ có các tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mới được đầu tư ra nước ngoài.

Các công ty chứng khoán được đầu tư tối đa 30% vốn chủ sở hữu vào chứng khoán quốc tế; công ty quản lý quỹ được đầu tư 20% vốn chủ sở hữu, còn các quỹ đầu tư tại Việt Nam được đầu tư 20% giá trị tài sản ròng trên thị trường ngoại.

Trong khi với nhà đầu tư cá nhân, ngoại trừ mục đích khám chữa bệnh hoặc chu cấp cho con em du học, pháp luật ngoại hối Việt Nam hiện nay chưa cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài vì mục đích đầu tư tài chính.

Liệu các ngân hàng và Ngân Lượng có biết, các giao dịch chuyển tiền đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế là giao dịch chưa được cho phép?

ảnh 1

Tiền nạp vào tài khoản đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế được ẩn danh dưới việc thanh toán cho phiếu thu, thanh toán mua hàng hóa.

Nếu những giao dịch này là bất hợp pháp, ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư? Bởi nếu các giao dịch này vi phạm pháp luật, khi có tranh chấp xảy ra, chắc chắn nhà đầu tư sẽ nắm đằng lưỡi vì giao kết có thể bị tuyên vô hiệu.

“Khi đầu tư theo hướng này, ngoài rủi ro rất lớn về thị trường, nhà đầu tư còn chịu thêm rủi ro lớn về pháp lý, vì hầu như hoạt động ở trong nước là chưa được phép, còn hoạt động ở nước ngoài thì pháp luật Việt Nam gần như không bảo vệ được trong trường hợp có tranh chấp, rủi ro xảy ra”, luật sư Trương Thanh Ðức nhận xét.

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn và đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, giao dịch thông qua sàn sử dụng hình thức hợp đồng chênh lệch (CFD), thay vì mua chứng khoán trực tiếp của nước sở tại tại Việt Nam là những trường hợp biến tướng theo hướng “lách luật”.

“Thực chất, hợp đồng CFD không phải mua cổ phiếu, do đó, nếu sàn đóng cửa thì nhà đầu tư sẽ mất tiền. Thậm chí, dù nhà đầu tư có thắng chăng nữa vẫn tồn tại rủi ro không rút được tiền, bởi nhà cái (chủ sàn không uy tín) ôm tiền bỏ chạy”, ông Khánh cảnh báo.

Cũng theo vị chuyên gia này, tỷ lệ đòn bẩy cao vừa là điểm thu hút vừa là rủi ro đối với nhà đầu tư, bởi thị trường chỉ cần biến động nhỏ cũng có thể tác động mạnh đến tài khoản của nhà đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư không có quyền lựa chọn việc sử dụng margin hay không vì đây gần như là bắt buộc khi tham gia hình thức này.

Phóng viên đã gọi điện đến với Công ty Alfa Media theo đường dây nóng, tuy nhiên người này từ chối trả lời và nói “vấn đề này phải trao đổi với lãnh đạo Công ty”, song cũng không cung cấp thông tin liên hệ.

Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho một số đơn vị trung gian thanh toán hoạt động, song với các giao dịch mà pháp luật chưa có quy định, ví dụ việc chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư tài chính, nhiều người băn khoăn liệu giao dịch trên có hợp pháp?
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, pháp luật hiện hành đã có các quy định cụ thể về các giao dịch và thanh toán bằng ngoại tệ giữa cá nhân, pháp nhân tại Việt Nam. Theo đó, việc chuyển ngoại tệ qua ngân hàng hay việc mang ngoại tệ qua biên giới chỉ được thực hiện khi pháp luật cho phép. Tuy nhiên, với các giao dịch, thanh toán ngoại tệ xuyên biên giới, nhất là qua các phương thức giao dịch điện tử của cá nhân với nước ngoài thì gần như còn bị bỏ trống.

Bài 3: Dịch vụ chưa được “khai sinh”

Đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế được quy định thuộc nhóm cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới, cho đến nay chưa được cơ quan quản lý cấp phép tại Việt Nam.

Vì thế, các dịch vụ hỗ trợ cho loại hình đầu tư này đều có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Trước tình trạng nở rộ việc tư vấn, chào mời khách hàng cá nhân bỏ tiền đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế và nhiều sàn hoạt động mạnh, thu hút hàng nghìn nhà đầu tư tham gia, gần đây, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được đơn thư phản ánh của nhà đầu tư, cũng như cơ quan công an đề nghị làm rõ về hình thức đầu tư này.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán từ các cơ quan quản lý, đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế với những dạng thức và hành vi như đã được mô tả trong các bài viết trước, có thể được coi là hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới.

Một cán bộ có trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, theo các quy định hiện hành, đầu tư chứng khoán ngoài lãnh thổ, các nước đều yêu cầu phải được cấp phép bởi cơ quan quản lý.

Việt Nam đã mở cửa cho các dịch vụ đầu tư chứng khoán ra nước ngoài, nhưng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, thông qua các công ty chứng khoán hoặc quỹ đầu tư.

Cho đến thời điểm này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa cấp phép cho bất cứ trường hợp nào làm dịch vụ trung gian cho nhà đầu tư cá nhân trong nước đầu tư chứng khoán ở nước ngoài.

Như vậy, có thể hiểu là chủ thể cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam một cách chính danh, được pháp luật thừa nhận là chưa có. Rủi ro pháp lý với những nhà đầu tư mạo hiểm bỏ vốn chu du ra nước ngoài rất rõ ràng.

Một khía cạnh khác mà Báo Đầu tư Chứng khoán tìm hiểu là các quy định liên quan đến đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Điều 5 - Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài ghi rõ, nhà đầu tư là cá nhân có quốc tịch Việt Nam chỉ được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, nội dung thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Cũng theo nghị định này, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ  Việt Nam muốn trở thành cầu nối trung gian kết nối nhà đầu tư cá nhân trong nước đầu tư ra nước ngoài phải có sự phê duyệt của cơ quan chủ quản ngành là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Do đó, các nhà đầu tư bỏ vốn mua chứng khoán phái sinh quốc tế thông qua các đơn vị tư vấn trong nước như Alfa Media đối mặt với nguy cơ không được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, hình thức đầu tư này hiện vẫn ngang nhiên quảng cáo trên các website. Truy cập Google gõ “đầu tư CFD tại Việt Nam” cho ra ngay 173.000 kết quả, với hàng loạt các site quảng cáo, hướng dẫn và mời gọi nhà đầu tư tham gia. Trên các trang thông tin tài chính như Vietstock cũng đặt các banner quảng cáo cho loại hình đầu tư chưa được cấp phép tại Việt Nam.

Trong vai một nhà đầu tư muốn bỏ vốn vào chứng khoán phái sinh quốc tế, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với nhiều nhà đầu tư “cùng hội, cùng thuyền”.

Họ cho biết, tin tưởng vào hình thức đầu tư này, một phần bởi tiền được chuyển qua các trung gian thanh toán như ngân hàng hoặc các đơn vị đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép chức năng trung gian thanh toán.

Nhà đầu tư được các định chế tài chính này cấp biên lai chuyển tiền, phiếu thu xác nhận nên tin tưởng rằng, khi có rủi ro nào đó xảy ra, các đơn vị trung gian thanh toán Việt Nam nói trên sẽ có trách nhiệm đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ.

Tuy nhiên, khi Báo Đầu tư Chứng khoán đặt ra các vấn đề về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, khả năng nắm bắt đường đi của dòng tiền đi và về, đại diện truyền thông của một ngân hàng lớn đã đề nghị phóng viên hỗ trợ, không đề cập đến chủ đề này.

Còn trên website của đơn vị trung gian thanh toán thì quy định, khách hàng sẽ luôn phải chịu trách nhiệm với mọi giao dịch. Nếu họ có lý do để cho rằng khách hàng vi phạm những hoạt động bị giới hạn, họ sẽ làm hết mức để bảo vệ mình, chứ không phải bảo vệ khách hàng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng:
CFD là một sản phẩm phái sinh nên nhà đầu tư không thực tế nắm cổ phiếu. Hiện các sàn muốn tăng uy tín và thu hút nhà đầu tư mở tài khoản đã mời chào rằng, mua CFD vẫn được hưởng cổ tức từ các công ty.
Điều này có thể đúng hoặc không. Trong trường hợp đúng, nhà đầu tư thực ra vẫn không có cổ phiếu thật để lĩnh cổ tức.
Có thể sàn mở tài khoản của chính họ trên thị trường Mỹ để lĩnh cổ tức và trả cho nhà đầu tư (dĩ nhiên sau khi trừ phí cho họ). Cần lưu ý là nhà đầu tư mở tài khoản trên TTCK Mỹ hoặc nước ngoài sẽ bị nước sở tại thu phí và thuế rất cao.
Và điều cần lưu ý nhất là do CFD là sản phẩm phái sinh của sàn (không phải của Sở Giao dịch chứng khoán Mỹ), nên khi sàn đóng cửa thì nhà đầu tư vẫn có thể mất toàn bộ tài sản của mình.

Theo báo Đầu tư Chứng khoán

  1. https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/chung-khoan-phai-sinh-quoc-te-mieng-pho-mat-trong-bay-chuot-bai-1-316366.html
  2. https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/chung-khoan-phai-sinh-quoc-te-mieng-pho-mat-trong-bay-chuot-bai-2-rui-ro-giao-dich-lach-luat-316711.html
  3. https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/chung-khoan-phai-sinh-quoc-te-mieng-pho-mat-trong-bay-chuot-bai-3-dich-vu-chua-duoc-khai-sinh-316932.html


Tags

Advertise

Image Alternative Text

Instagram